Tiếng việt English
 
TÀI LIỆU TÓM TẮT CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG NĂM 2017 - 15/05/2017


Nắm vững các quy định pháp luật là một trong các yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi tổ chức, cá nhân; đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thì việc nắm vững các quy định pháp luật liên quan là điều vô cùng quan trọng, là điều kiện sống còn, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

LỜI MỞ ĐẦU

Nắm vững các quy định pháp luật là một trong các yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi tổ chức, cá nhân; đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thì việc nắm vững các quy định pháp luật liên quan là điều vô cùng quan trọng, là điều kiện sống còn, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Hiểu và nắm rõ các quy định pháp luật sẽ giúp cho các chủ doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định, nắm bắt được các cơ hội, các ưu đãi của nhà nước trong lĩnh vực hoạt động sản xuất của đơn vị và tránh các hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến kinh tế, uy tín và thậm chí là bị khởi tố hình sự.

Vì vậy để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh nắm bắt và hiểu rõ hơn các quy định về bảo vệ môi trường, hàng  năm Sở Tài nguyên và môi trường đềutổ chức các buổi tập huấn về các văn bản pháp luật về môi trường mới được Chính phủ vả Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Thực tiễn các năm qua cho thấy, khi đến tham dự buổi tập huấn, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ chưa có điều kiện để nghiên cứu các văn bản pháp quy trước đó mà chỉ nắm bắt các ý chính thông qua bài trình bày của các báo cáo viên, trong khi vì thời lượng buổi tập huấn có hạn nên đôi khi chưa đủ thời gian để thảo luận, trao đổi các vấn đề cần thiết.

Vì vậy, nhằm mục đích triển khai thực hiện nhiệm vụ “Tập huấn, triển khai các văn bản pháp luật về tài nguyên và môi trường năm 2017” được hiệu quả và dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận cũng như giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường biên soạn tài liệu tóm tắt các nội dung chính của các Nghị định, Thông tư về môi trường mới được ban hành trong thời gian qua gửi đến các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ để có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu.

Các Nghị định, Thông tư về môi trường được tóm tắt trong tài liệu này gồm:

        Nghị định 60/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường;

        Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính Phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

        Thông tư 19/2016/TT-BTNMT ngày 24/8/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về báo cáo công tác bảo vệ môi trường;

        Thông tư 30/2016/TT-BTNMT ngày 12/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu;

        Thông tư 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu, nếu có nội dung nào chưa rõ hoặc trong quá trình hoạt động của đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc về môi trường thì doanh nghiệp gửi vấn để cần trao đổi, giải đáp về Trung tâm Truyền Thông và Tư vấn môi trường qua:

Địa chỉ: số 10 – 11, đường Đồng Khởi, phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Số điện thoại: 0618.608003.

Email: ceccdongnai@gmail.com

Các cân hỏi, ý kiến của các đơn vị sẽ được chúng tôi tổng hợp, giải đáp và trao đổi trong buổi tập huấn văn bản quy phạm pháp luật năm 2017 tại Sở Tài nguyên và Môi trường (thư mời tham gia buổi tập huấn sẽ được Sở Tài nguyên và Môi trường gửi đến quý cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ)

Rất mong nhận được sự hợp tác của các đơn vị./.

MỤC LỤC

 

 

PHẦN I NGHỊ ĐỊNH .. 1

CHƯƠNG I: Nghị định 60/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường . 1

CHƯƠNG II: Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải 12

PHẦN  II THÔNG TƯ .. 17

CHƯƠNG I: Thông tư 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ . 18

CHƯƠNG II: Thông tư 30/2016/TT-BTNMT ngày 12/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu   27

CHƯƠNG III: Thông tư 19/2016/TT-BTNMT ngày 24/08/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về báo cáo công tác bảo vệ môi trường . 33


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

 

BVMT

Bảo vệ môi trường

CTNH

Chất thải nguy hại

CCN

Cụm công nghiệp

CTR

Chất thải rắn

ĐTM

Đánh giá tác động môi trường

KBM

Kế hoạch bảo vệ môi trường

KCN

Khu công nghiệp

TCMT

Tiêu chuẩn môi trường

TNMT

Tài nguyên và Môi trường

UBND

Ủy ban nhân dân

QCKTMT

Quy chuẩn kỹ thuật môi trường


CHƯƠNG I: Nghị định 60/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường .

-        H iệu lực thi hành từ ngày 01 / 7 / 2016.

-        Nghị định mới.

             I.           Nội dung chính của Nghị định:

Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường gồm:

-        Điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

-        Điều kiện về năng lực của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước; điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân tư vấn lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước .

-        Điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò k hoáng sản;

-        Điều kiện kinh doanh chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải;

-        Điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm.

-        Điều kiện cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

Ngoài các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đã được nêu ở trên, điều kiện đầu tư kinh doanh khác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được thực hiện theo quy định tại luật và các nghị định chuyên ngành.

          II.           Đối tượng áp dụng

-        Các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác nước dưới đất (sau đây gọi chung là hành nghề khoan nước dưới đất).

-        Các tổ chức, cá nhân hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước.

-        Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước có liên quan đến hoạt động lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước;

-        Cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước, thẩm định, cấp, gia hạn giấy phép tài nguyên nước.

-        Các tổ chức, cá nhân hành nghề thăm dò, khai thác k hoáng sản.

-        Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải.

-        Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt.

-        Các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến chất thải nguy hại.

      III.           Điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên nước

1.   Quy mô hành nghề khoan nước dưới đất

-        Quy mô ngành nghề khoan nước dưới đất được quy định như sau:

+     Quy mô nhỏ: khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110 mm và thuộc công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm;

+     Quy mô vừa: khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 250 mm và thuộc công trình có lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm;

+     Quy mô lớn: không thuộc 2 trường hợp trên.

-        Các công trình thuộc quy mô nhỏ, vừa và lớn là hệ thống gồm một hoặc nhiều giếng khoan nằm trong một khu vực thăm dò, khai thác nước dưới đất và khoảng cách liền kề giữa chúng không lớn hơn 1.000 m, thuộc sở hữu của một tổ chức hoặc cá nhân; lưu lượng của một công trình là tổng lưu lượng của các giếng khoan thuộc công trình đó.

-        Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất ở quy mô nào thì được phép hành nghề ở quy mô đó và các quy mô nhỏ hơn.

2.   Điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất

Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước khoan nước dưới đất có đủ các điều kiện sau đây:

-        Có quyết định thành lập tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình do cơ quan có thẩm quyền cấp.

-        Cá nhân hoặc người đứng đầu tổ chức phải đáp ứng các điều kiện sau:

+     Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ: trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề hoặc công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên và có ít nhất 04 năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo hoặc thi công khoan ít nhất 05 công trình khoan nước dưới đất.Nếu không có văn bằng thì phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề, đã trực tiếp thi công ít nhất 10 công trình khoan nước dưới đất và phải có chứng nhận đã qua khóa tập huấn kỹ thuật về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất do Cục Quản lý tài nguyên nước hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức;

+     Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa: trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề hoặc tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 05 công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm trở lên;

+     Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn: trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất và có ít nhất 07 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 03 công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;

+     Người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải là người của tổ chức, cá nhân hành nghề hoặc có hợp đồng lao động với tổ chức, cá nhân hành nghề theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp hợp đồng lao động là loại xác định thời hạn thì tại thời điểm nộp hồ sơ, thời hạn hiệu lực của hợp đồng lao động phải còn ít nhất là 12 tháng.

+     Máy khoan và các thiết bị thi công khoan phải bảo đảm có tính năng kỹ thuật phù hợp với nội dung công việc, quy mô (đối với thiết bị cần có giấy kiểm định chất lượng thì phải do cơ quan có thẩm quyền cấp).

3.   Điều kiện về năng lực đối với tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước

-        Tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước phải có các loại giấy tờ như sau:

+     Quyết định thành lập tổ chức

+     Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

-        Có đội ngũ cán bộ trình độ đại học trở lên , có chuyên môn về lĩnh vực tài nguyên nước, kinh nghiệm công tác ít nhất 03 năm.

-        Có thiết bị chuyên dụng, phù hợp với từng hạng mục công việc và phải có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có yêu cầu).

-        Trường hợp hạng mục công việc của đề án, dự án, báo cáo có yêu cầu điều kiện khi thực hiện thì tổ chức phải đáp ứng các điều kiện đó hoặc có hợp đồng liên doanh, liên kết hoặc hợp đồng thuê với tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện để thực hiện.

      IV.           Điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản

1.    Quy định hành nghề của tổ chức hành nghề thăm dò k hoáng sản

Tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản khi hợp đồng thi công đề án thăm dò khoáng sản với tổ chức, cá nhân có giấy phép thăm dò k hoáng sản phải đáp ứng quy định tại Điều 35 Luật k hoáng sản và các quy định cụ thể như sau:

-        Doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp.

-        Tổ chức khoa học và công nghệ thành lập theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.

-        Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập theo quy định của Luật hợp tác xã.

-        Tổ chức sự nghiệp chuyên ngành địa chất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập có chức năng, nhiệm vụ thăm dò k hoáng sản.

2.   Hồ sơ hành nghề thăm dò khoáng sản

- Tổ chức hành nghề thăm dò k hoáng sản khi hợp đồng thi công đề án thăm dò k hoáng sản với tổ chức, cá nhân có giấy phép thăm dò k hoáng sản phải đáp ứng quy định tại Điều 35 Luật k hoáng sản và các quy định sau:

+     Bản sao có chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+     Hợp đồngthi công đề án thăm dò khoáng sản với tổ chức, cá nhânđược phép thăm dò k hoáng sản, kèm theo giấy phép thăm dò k hoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp;

+     Danh sách cán bộ, công nhân kỹ thuật tham gia thi công trực tiếp;

+     Tài liệu của các cá nhân tham gia thi công đề án thăm dò k hoáng sản gồm: Quyết định giao nhiệm vụ cho chủ nhiệm đề án kèm theo văn bằng chứng chỉ ngành nghề, lý lịch khoa học của chủ nhiệm đề án; hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng; quyết định bổ nhiệm chức danh hoặc giao nhiệm vụ; bản sao chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu;

+     Danh mục các thiết bị, công cụ chuyên dùng.

-        Đối với tổ chức có giấy phép thăm dò khoáng sản trực tiếp thi công thì phải có danh sách, tài liệu cán bộ và danh mục các thiết bị thực hiện thăm dò khoáng sản.

          V.           Điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

1.   Điều kiện kinh doanh chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải

a)     Điều kiện kinh doanh chế phẩm sinh học

-        Tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhập khẩu chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải (sau đây viết tắt là chế phẩm sinh học) phải được cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học do Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

-        Chế phẩm sinh học đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học nhưng có thay đổi về thành phần hoặc hàm lượng các hoạt chất trong chế phẩm sinh học làm ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý và tính an toàn đối với sức khỏe con người và sinh vật thì phải đăng ký cấp lại giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học.

a)     Hồ sơ đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học

-        Hồ sơ đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học thực hiện 07 bộ và gửi về Tổng cục Môi trường để tổ chức xem xét, đánh giá, cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học.

-        Thành phần hồ sơ đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học bao gồm:

+     Văn bản đề nghị đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học (theo mẫu tại Phụ lục I, Nghị định 60/2016/NĐ-CP).

+     Bản sao Giấy đăng ký doanh nghiệp (nếu có).

+     Quy trình sản xuất chế phẩm sinh học.

+     Bản sao có chứng thực phiếu kết quả kiểm nghiệm hoặc phân tích chất lượng chế phẩm sinh học của đơn vị có chức năng kiểm định trong nước hoặc nước ngoài.

+     Bản giới thiệu chế phẩm sinh học (theo mẫu quy định tại Phụ lục II, Nghị định 60/2016/NĐ-CP).

+     Bản sao có chứng thực biên bản đánh giá của Hội đồng khoa học cấp quản lý đối với những chế phẩm sinh học là kết quả đề tài nghiên cứu khoa học (nếu có).

+     Kết quả khảo nghiệm chế phẩm sinh học (nếu có).

+     Nhãn, hình thức bao gói chính thức đề nghị lưu hành kèm theo tờ hướng dẫn bảo quản, sử dụng chế phẩm sinh học và những cảnh báo rủi ro đối với sức khỏe con người và sinh vật.

+     Bản sao có chứng thực văn bằng bảo hộ sáng chế hoặc bản cam kết không vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các chế phẩm sản xuất trong nước đề nghị đăng ký lưu hành.

+     Bản sao có chứng thực giấy phép lưu hành chế phẩm sinh học do cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất cấp đối với chế phẩm sinh học nhập khẩu.

+     Kế hoạch khảo nghiệm chi tiết, bao gồm các nội dung chủ yếu sau: nội dung khảo nghiệm, thời gian, địa điểm và cơ quan khảo nghiệm đối với chế phẩm sinh học chưa có kết quả khảo nghiệm được công nhận.

+     Đối với các chế phẩm sinh học đã được cấp Giấy chứng nhận lưu hành, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục kinh doanh, nhập khẩu chế phẩm sinh học có trách nhiệm thông báo về tên và số lượng chế phẩm sinh học với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước thời gian lưu hành ít nhất 15 ngày làm việc.

b)   Thu hồi giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học

-        Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học bị thu hồi trong các trường hợp sau:

+     Cấp không đúng quy định;

+     Thay đổi thành phần chế phẩm sinh học;

+     Có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chế phẩm sinh học đã đăng ký lưu hành.

-        Tổ chức , cá nhân bị thu hồi giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học có trách nhiệm thu hồi và xử lý chế phẩm sinh học đã được sản xuất, nhập khẩu và đang lưu hành theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Tổng cục môi trường sẽ thông báo việc thu hồi trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường và trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

1.   Điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm

a)   Yêu cầu về Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm

-        Có giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm trong các trường hợp sau:

+     Khi vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với khối lượng bằng hoặc lớn hơn ngưỡng khối lượng phải có giấy phép vận chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (theo quy định tại cột 6 Phụ lục III, Nghị định 60/2016/NĐ-CP);

+     Khi vận chuyển từng loại hàng nguy hiểm có khối lượng bằng hoặc lớn hơn ngưỡng khối lượng phải có giấy phép vận chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (theo quy định tại cột 6 Phụ lục III, Nghị định 60/2016/NĐ-CP)nhưng tổng khối lượng của các chất độc hại, chất lây nhiễm vận chuyển trên cùng một phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lớn hơn 01 tấn/chuyến (không tính khối lượng bao bì).

-        Không cần có giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm nhưng phải tuân theo các điều kiện vận chuyển về đóng gói, bao bì, vật chứa, ghi nhãn và biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm; về phương tiện vận chuyển hàng, người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm trong các trường hợp sau:

+     Là các chất độc hại, chất lây nhiễm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với khối lượng hàng dưới ngưỡng khối lượng phải có giấy phép vận chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (theo quy định tại cột 6 Phụ lục III, Nghị định 60/2016/NĐ-CP) nhưng phải có kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong vận chuyển hàng nguy hiểm (theo mẫu tại Phụ lục IV).

+     Là các chất độc hại, chất lây nhiễm bằng phương tiện giao thông đường thủy nội địa hoặc đường sắt, nhưng phải tuân theo các quy định tương ứng tại Nghị định số 29/2005/NĐ-CP hoặc Nghị định số 14/2015/NĐ-CP.

b)   Điều kiện về đóng gói, bao bì, vật chứa, ghi nhãn và biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm

-        Yêu cầu về đóng gói, bao bì, vật chứa: phải đáp ứng các quy định của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002.

-        Yêu cầu về ghi nhãn: theo quy định về nhãn hàng hóa, ghi nhãn hóa chất.

-        Yêu cầu về biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm:

+     Bên ngoài bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm phải dán biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm;

+     Phương tiện vận chuyển phải dán biểu trưng nguy hiểm của loại, nhóm hàng vận chuyển.

+     Biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm của loại, nhóm hàng vận chuyển thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 29/2005/NĐ-CP, Điều 24 Nghị định số 14/2015/NĐ-CP hoặc Điều 9 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP.

-        Yêu cầu về xếp, dỡ và lưu kho bãi hàng nguy hiểm: Việc xếp, dỡ và lưu kho bãi hàng nguy hiểm được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 29/2005/NĐ-CP, Điều 29 Nghị định số 14/2015/NĐ-CP hoặc Điều 12 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP.

-        Hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm được vận chuyển phải kèm phiếu an toàn hóa chất theo quy định hiện hành.

c)    Điều kiện đối với các phương tiện, người vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm

-        Phương tiện vận chuyển tuân thủ theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP, Điều 30 Nghị định số 14/2015/NĐ-CP, Điều 10 Nghị định số 29/2005/NĐ-CP và các điều kiện sau:

+     Không vận chuyển hàng nguy hiểm với các mặt hàng khác.

+     Có trang bị các thiết bị cần thiết khi vận chuyển.

-        Người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

+ Được huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện về vận chuyển và an toàn hóa chất đối với hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm do Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

+ Tốt nghiệp từ trung cấp trở lên chuyên ngành hóa chất.

2.   Điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại

-        Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy phép xử lý CTNH phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

+     Có báo cáo ĐTM được Bộ TNMT phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại hoặc các hồ sơ, giấy tờ thay thế như sau:

· Văn bản hợp lệ về môi trường do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã đưa vào hoạt động trước ngày 01/7/2006 bao gồm: Giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; văn bản thẩm định bản kê khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh có tác động đến môi trường; phiếu thẩm định đánh giá tác động môi trường; hoặc giấy tờ tương đương với các văn bản này;

· Đề án BVMT được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã đưa vào hoạt động.

+     Địa điểm của cơ sở xử lý chất thải nguy hại (trừ trường hợp cơ sở sản xuất có hoạt động đồng xử lý chất thải nguy hại) thuộc các quy hoạch có nội dung về quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt theo quy định của pháp luật.

+     Các hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung chuyển, phương tiện vận chuyển (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

+     Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

+     Có đội ngũ nhân sự đáp ứng yêu cầu như sau:

· Một cơ sở xử lý chất thải nguy hại phải có ít nhất 02 (hai) người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành liên quan đến môi trường hoặc hóa học và được cấp chứng chỉ quản lý chất thải nguy hại theo quy định;

· Một trạm trung chuyển chất thải nguy hại phải có ít nhất 01 (một) người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành, hướng dẫnvề chuyên môn, kỹ thuật có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành liên quan đến môi trường hoặc hóa học;

· Đội ngũ n hân sự đảm nhiệm quản lý cơ sở xử lý chất thải nguy hại và trạm trung chuyển phải được đóng bảo hiểm xã hội, y tế theo quy định của pháp luật; có hợp đồng lao động dài hạn trong trường hợp không có tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc giấy tờ tương đương) hoặc không thuộc ban lãnh đạo hoặc biên ch ế của tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý chất thải nguy hại;

· Có đội ngũ vận hành và lái xe được đào tạo, tập huấn bảo đảm vận hành an toàn các phương tiện, hệ thống, thiết bị.

+     Có quy trình vận hành an toàn các phương tiện, hệ thống, thiết bị thu gom, vận chuyển (nếu có) và xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng) chất thải nguy hại.

+     Có phương án BVMT trong đó kèm theo các nội dung về: Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường; kế hoạch an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe; kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố; kế hoạch đào tạo, tập huấn định kỳ; chương trình quan trắc môi trường, giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại.

+     Có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và phục hồi môi trường khi chấm dứt hoạt động.

+     Các trường hợp có báo cáo ĐTM được Bộ TNMT phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại hoặc các hồ sơ, giấy tờ thay thế như văn bản về môi trường do cơ quan quản lý ban hành trước ngày 01/7/2006, giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, văn bản thẩm định bản kê khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh có tác động đến môi trường; phiếu thẩm định ĐTM hoặc giấy tờ tương đương không áp dụng đối với các trường hợp sau:

· Cơ sở sản xuất đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu bổ sung hoạt động đồng xử chất thải dựa trên công nghệ sản xuất sẵn có mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo ĐTM;

· Cơ sở xử lý chất thải đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu cải tạo, nâng cấp với công nghệ tiên tiến hơn để giảm hoặc không làm gia tăng tác động xấu đến môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo ĐTM thì phải có phương án trình cơ quan cấp phép xử lý chất thải nguy hại để xem xét, chấp thuận trước khi triển khai việc cải tạo, nâng cấp.

+     Các trường hợp sau đây không được coi là cơ sở xử lý chất thải nguy hại và không thuộc đối tượng cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại:

· Chủ nguồn thải tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, đồng xử lý, xử lý hoặc thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại phát sinh nội bộ trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải nguy hại;

· Tổ chức , cá nhân nghiên cứu và phát tr iển công nghệ xử lý chất thải nguy hại trong môi trường thí nghiệm;

· Cơ sở y tế có công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đặt trong khuôn viên để thực hiện việc tự xử lý và thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế lân cận (mô hình cụm).

+     Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản đối với các trường hợp không được coi là cơ sở xử lý chất thải nguy hại và không thuộc đối tượng cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

-        Quy trình quản lý liên quan đến điều kiện cấp phép xử lý CTNH gồm:

+     Các phương tiện, thiết bị lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTNH (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục V, Nghị định 60/2016/NĐ-CP.

+     Phương tiện vận chuyển CTNH phải có hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được kết nối mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển CTNH.

+     Một phương tiện, thiết bị chỉ được đăng ký cho một giấy phép xử lý CTNH, trừ các phương tiện vận chuyển đường biển, đường sắt, đường hàng không.

+     Công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý CTNH và trạm trung chuyển CTNH (nếu có) phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Phụ lục V, Nghị định 60/2016/NĐ-CP.

+     Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý CTNH phải xây dựng đầy đủ các nội dung về quy trình vận hành an toàn các hệ thống, phương tiện, thiết bị; các kế hoạch về kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường, an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa và ứng phó sự cố, đào tạo, tập huấn định kỳ hàng năm, xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường khi chấm dứt hoạt động; chương trình giám sát môi trường, giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý CTNH.

+     Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý CTNH phải lập các bảng hướng dẫn dạng rút gọn hoặc dạng sơ đồ về quy trình vận hành an toàn với kích thước phù hợp và lắp đặt tại vị trí thuận tiện để quan sát trên phương tiện vận chuyển, trong cơ sở xử lý và trạm trung chuyển CTNH (nếu có).

             I.           Quy định chuyển tiếp

-        Tổ chức , cá nhân đã được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất trước ngày 01/7/2016 được tiếp tục sử dụng. Hồ sơ đề nghị cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày 01/7/2016 thì được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.

-        Tổ chức, cá nhân có quyết định phê duyệt, giao nhiệm vụ hoặc ký hợp đồng thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước, lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước trước ngày 01/7/2016 thì tiếp tục thực hiện;

-        Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép lưu hành chế phẩm sinh học trước ngày 01/7/2016 được tiếp tục sử dụng trừ trường hợp bị thu hồi. Hồ sơ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học trước ngày 01/7/2016 thì được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận;

-        Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm có thời hạn hiệu lực trước ngày 01/7/2016 được tiếp tục sử dụng, trừ trường hợp bị thu hồi và cấp lại. Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm trước ngày 01/7/2016  được thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.


CHƯƠNG II: Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

-        Hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.

-        Thay thế Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/ 3/2013 của Chính phủ.

-        Các địa phương triển khai thực hiện thu giá dịch vụ thoát nước theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 thì không thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định tại Nghị định 154/2016/NĐ-CP.

             I.           Nội dung chính của Nghị định

Nghị định quy định về đối tượng chịu phí, các trường hợp miễn phí, người nộp phí, mức thu, kê khai, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

          II.           Đối tượng thực hiện

1.   Đối tượng chịu phí nước thải công nghiệp

Nước thải công nghiệp là nước thải từ:

-        Cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến, chăn nuôi, giết mổ, nuôi trồng thủy sản, khoáng sản.

-        Cơ sở sản xuất thủ công nghiệp trong các làng nghề;

-        Nhà máy cấp nước sạch;

-        Hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp;

-        Cơ sở sản xuất khác.

2.   Đối tượng không phải nộp phí nước thải công nghiệp

-        Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện, nước tuần hoàn trong các cơ sở sản xuất, chế biến mà không thải ra môi trường dưới bất kỳ hình thức nào (chất rắn, chất lỏng, chất khí);

-        Nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra;

-        Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá; ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch

-        Nước làm mát thiết bị, máy móc không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng;

-        Nước mưa tự nhiên chảy tràn (trừ diện tích thuộc khu vực nhà máy hóa chất);

-        Nước thải từ các phương tiện đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân;

-        Nước thải sinh hoạt tập trung do đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước tiếp nhận và đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định xả thải ra môi trường.

      III.           Xác định số phí và kê khai nộp phí BVMT

1.   Đối với nước thải công nghiệp

a)     Đối với nước thải trung bình dưới 20 m3/ngày đêm

-        Trường hợp lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày đêm thì doanh nghiệp kê khai và nộp phí một lần cho cả năm; thời hạn nộp phí trước 31/3. Số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp phải nộp là 1.500.000 đồng/năm.

b)     Đối với nước thải trung bình từ 20 m3/ngày đêm trở lên

-        Trường hợp lượng nước thải trung bình từ 20 m3/ngày đêm trở lên thì số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp phải nộp hàng quý được tính theo công thức: Fq = (f/4) + Cq.

 Trong đó:

+ Fq là số phí phải nộp trong quý (đồng)

+ f = 1.5000.000 đồng

+ Cq là số phí phải biến đổi phải nộp trong quý, được tính theo công thức sau:

Số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp phải nộp (đồng)

=

Tổng lượng nước thải thải ra (m3)

x

Hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải (mg/ l )

x

10-3

x

Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của chất gây ô nhiễm thải ra môi trường (đ ng/kg)

Trong đó, hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải và mức phí đối với mỗi chất gây ô nhiễm được tính theo bảng sau:

Số TT

Th ô ng s ố ô nhi m tính phí

Mức phí ng/kg)

1

Nhu cầu ô xy hóa học (COD)

2.000

2

Chất rắn lơ lửng (TSS)

2.400

3

Thủy ngân (Hg)

20.000.000

4

Chì (Pb)

1.000.000

5

Arsenic (As)

2.000.000

6

Cadmium (Cd)

2.000.000

-        Doanh nghiệp nộp tờ khai (theo mẫu số 02, Nghị định 154/2016/NĐ-CP) về cơ quan thu phí trong 0 5 ngày đầu tháng đầu tiên của quý tiếp theo (nếu cấp tỉnh thì nộp về Chi cục BVMT, nếu cấp huyện thì nộp về Phòng TNMT).

-        Đối với doanh nghiệp nộp phí về Chi cục BVMT, có thể kê khai nộp phí qua trang web: http://nopphibvmt.stnmt.dongnai.gov.vn/

c) Nộp phí

-        Doanh nghiệp có thể nộp phí vào tài khoản “Tạm thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp” tại Kho bạc Nhà nước theo thông báo của đơn vị thu phí, nhưng chậm nhất không quá 10 ngày kể từ ngày thông báo.

-        Tài khoản nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp số 3511.0.9080234.00000 của Chi cục BVMT tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Nai.

-        Đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện và thông báo với Sở TNMT nơi cơ sở hoạt động.

d)     Xác định lượng nước thải ra

-        Đối với các cơ sở có đồng hồ đo lượng nước thải, lượng nước thải ra được xác định căn cứ vào số đo trên đồng hồ.

-        Đối với các cơ sở không có đồng hồ đo lượng nước thải thì lượng nước thải được xác định dựa trên kết quả đo đạc thực tế của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hoặc được tính bằng 80% lượng nước sử dụng hoặc thông tin trên báo cáo ĐTM theo định kỳ hàng quý .

2.   Đối với nước thải sinh hoạt

a)     Cách tính phí

Số phí bảo vệ môi trường phải nộp đối với nước thải sinh hoạt được xác định như sau:

Số phí phải nộp (đồng)

=

Số lượng nước sạch sử dụng (m3)

x

Giá bán nước sạch (đồng/m3)

x

Mức thu phí

Trong đó:

-        Số lượng nước sạch sử dụng được xác định theo đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ của người nộp phí. Trường hợp người nộp phí chưa lắp được đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ thì áp dụng theo định mức khoán lượng nước sạch tiêu thụ đối với từng loại đối tượng sử dụng nước sạch do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định phù hợp với từng loại đối tượng sử dụng.

-        Trường hợp tự khai thác nước thì số lượng nước sạch sử dụng được xác định căn cứ vào số người theo sổ hộ khẩu gia đình (đối với gia đình) hoặc bảng chấm công, bảng lương, hợp đồng lao động (đối với tổ chức không sản xuất, chế biến) và lượng nước sạch bình quân theo đầu người trong xã, phường, thị trấn.

-        Đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tự khai thác nước để sử dụng thì số lượng nước sạch sử dụng được xác định căn cứ vào quy mô hoạt động kinh doanh, dịch vụ do cơ sở tự kê khai và thẩm định của UBND xã, phường, thị trấn.

b)     Kê khai và nộp phí

-        Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng . Và mức phí này được đơn vị cung cấp nước sạch thể hiện trên phiếu thu tiền nước hàng tháng của các hộ gia đình, tổ chức.

-        Hàng tháng, đơn vị cung cấp nước sạch, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tính toán số thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt thu được, lập tờ khai theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 154/2016/NĐ-CP gửi cơ quan thuế trên địa bàn.

-        Hàng năm, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày 01/01 năm tiếp theo, đơn vị cung cấp nước sạch, UBND xã, phường, thị trấn phải thực hiện quyết toán với cơ quan thuế việc thu, nộp tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt thu được theo đúng chế độ quy định.

      IV.           Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường các cấp, cơ quan thuế và đơn vị cấp nước sạch của địa phương.

-        Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng Tài nguyên và Môi trường các cấp có trách nhiệm:

+     Phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành phân loại đối tượng nộp phí cố địn h và phí biến đổi theo quy định.

+     Thẩm định tờ khai phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, ra thông báo số phí phải nộp; quyết toán số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của đối tượng nộp phí.

+     Tổng hợp số liệu về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tại địa phương để báo cáo các cơ quan quản lý cấp trên theo quy định.

+     Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung về mức thu, quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

-        quan thuế có trách nhiệm: Kiểm tra, đôn đốc, quyết toán việc thu, nộp, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của đơn vị cung cấp nước sạch và cơ quan tài nguyên môi trường địa phương.

-        Đơn vị cung cấp nước sạch tại địa phương có trách nhiệm:

+     Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thu phí.

+     Tổng hợp số liệu về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt tại địa phương và thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

PHẦN  II THÔNG TƯ 

 

CHƯƠNG I: Thông tư 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

-        H iệu lực thi hành từ ngày 01/12/2016;

-        Thay thế các Thông tư sau:

+     Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bảo vệ môi trường làng nghề;

+     Các nội dung liên quan đến tần suất giám sát phát thải tạimục 5.2 Phụ lục 2.3; mục 3.3 Phụ lục 5.5 của Thông tư 27/2015/TT-BTNMT.

+     Điểm b, khoản 3, điều 7, Thông tư 40/2015/TT-BTNMT.

             I.           Nội dung chính của Thông tư

Thông tư quy định các nội dung chính như sau:

-        Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp; khu kinh doanh, dịch vụ tập trung.

-        Bảo vệ môi trường làng nghề.

-        Bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

          II.           Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường cụm công nghiệp; khu kinh doanh, dịch vụ tập trung; làng nghề; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

      III.           Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp

1.   Trách nhiệm của cơ sở trong cụm công nghiệp

-        Về xử lý nước thải:

+     Ký và thực hiện biên bản, hợp đồng thỏa thuận với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp về đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp hoặc ký hợp đồng chuyển giao nước thải để xử lý với cơ sở có chức năng.

+     Các trường hợp được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp:

·       Cơ sở phát sinh nước thải vượt quá khả năng tiếp nhận, xử lý của hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp, đồng thời cơ sở có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

·        Cơ sở trong cụm công nghiệp mà cụm công nghiệp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đồng thời cơ sở có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

-        Về quản lý chất thải rắn, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ theo quy định được nêu tại mục “Quản lý quản lý chất thải rắn, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ”.

-        Về thực hiện chương trình quan trắc môi trường: doanh nghiệp thực hiện theo quy định và thông báo kết quả cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp để tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường, đồng thời thông báo cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp khi xảy ra sự cố môi trường và thực hiện việc ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.

2.   Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp

-        Đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp. Đồng thời, không được mở rộng cụm công nghiệp, tiếp nhận thêm dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trong trường hợp cụm công nghiệp chưa có công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đáp ứng các yêu cầu về đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp (theo quy định tại Điều 5, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT).

-        Nộp các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

-        Bố trí ít nhất 01 cán bộ phụ trách bảo vệ môi trường có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành: quản lý môi trường; khoa học, công nghệ, kỹ thuật môi trường; hóa học; sinh học. Cán bộ phụ trách bảo vệ môi trường được tập huấn định kỳ hàng năm về công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

-        Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường (theo quy định tại Chương V, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT).

-        Tổng hợp, báo cáo kết quả quan trắc môi trường, công tác bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, các cơ sở trong cụm công nghiệp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 hàng năm. Mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 1, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT.

3.   Trách nhiệm của UBND cấp huyện

-        Chỉ đạo đơn vị trực thuộc có chức năng phù hợp đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp trong trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

-        Chỉ đạo các đơn vị chức năng không tiếp nhận các dự án đầu tư mới vào cụm công nghiệp chưa có hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

-        Kiểm tra, thanh tra việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định.

      IV.           Bảo vệ môi trường khu kinh doanh, dịch vụ tập trung

1.   Quản lý nước thải, chất thải rắn

-        Các khu kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có biện pháp xử lý đối với toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ; có hệ thống thoát nước bảo đảm đủ công suất tiếp nhận nước thải từ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong khu; quản lý, bảo đảm duy trì ổn định dịch vụ thoát nước theo quy định.

-        Các cơ sở, hộ kinh doanh, dịch vụ phải áp dụng các biện pháp phân loại chất thải rắn, không xả chất thải rắn vào hệ thống thoát nước; chuyển giao chất thải rắn cho các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.

-        Các ban quản lý khu kinh doanh, dịch vụ tập trung phải thực hiện bảo vệ môi trường nơi công cộng theo quy định tại Khoản 2 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường.

2.   Cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường khu kinh doanh, dịch vụ tập trung

Ban quản lý khu kinh doanh, dịch vụ tập trung phải bố trí tối thiểu 01 cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường để thực hiện các nội dung của phương án bảo vệ môi trường, trách nhiệm bảo vệ môi trường khác theo quy định.

          V.           Bảo vệ môi trường làng nghề

1.   Điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề

-        Có phương án bảo vệ môi trường làng nghề được UBND cấp huyện phê duyệt.

-        Cóthủ tục môi trường được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

-        Có hạ tầng về bảo vệ môi trường làng nghề: Hệ thống thu gom nước thải, nước mưa; hệ thống xử lý nước thải tập trung (nếu có); điểm tập kết, khu xử lý chất thải rắn phải đúng quy định.

-        Có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường được UBND cấp xã ban hành quyết định và thành lập quy chế hoạt động; được trang bị phương tiện và bảo hộ lao động đầy đủ.

-        Thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý nước thải, khí thải, phân loại chất thải rắn, chuyển cho đơn vị thu gom theo đúng quy định.

* Lưu ý: Đối với làng nghề đã được công nhận làng nghề trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (01/12/2016) nhưng chưa đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện việc khắc phục.

2.   Đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường

Việc đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường được thực hiện định kỳ 02 năm/lần và thực hiện theo phụ lục 3, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT.

3.   Trách nhiệm của các cơ sở trong làng nghề

-        Cơ sở trong làng nghề thuộc danh mục ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề theo quy định tại Phụ lục 1, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP có trách nhiệm:

+     Lập báo cáo về các biện pháp BVMT theo mẫu tại Phụ lục 6, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT đối với trường hợp cần thiết, điều chỉnh nội dung dự án đầu tư để đảm bảo các biện pháp, công trình BVMT theo yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM và gửi UBND cấp xã để kiểm tra, theo dõi;

+     Tổ chức thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường hoặc hồ sơ, thủ tục tương đương.

-        Cơ sở trong làng nghề không thuộc danh mục ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề theo quy định tại Phụ lục 1, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

      VI.           Bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

1.   Quản lý nước thải

-        Cơ sở nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp không thuộc đối tượng thuộc phụ lục 1, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP mà có hệ thống xử lý nước thải và lưu lượng nước thải từ 30 m3/ngày.đêm trở lên, ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý nước thải thì phải có nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải được ghi chép đầy đủ (lưu lượng, thông số vận hành hệ thống xử lý nước thải, kết quả quan trắc nước thải đầu vào và đầu ra của hệ thống xử lý nước thải (nếu có), loại và lượng hóa chất sử dụng, lượng bùn thải phát sinh) và lưu giữ tối thiểu 02 năm.

-        Cơ sở có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày.đêm trở lên, ngoài việc có nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải thì phải thực hiện thêm các nội dung:

+     Thực hiện giám sát, quan trắc tự động, liên tục nước thải đầu ra;

+     Có công tơđiện tử đo điện độc lập của hệ thống xử lý nước thải, lượng điện tiêu thụ phải được ghi vào nhật ký vận hành;

+     Có phương án, hạ tầng, phương tiện, thiết bị để ứng phó, khắc phục sự cố trong trường hợp hệ thống thu gom, xử lý nước thải gặp sự cố;

+     Có điểm kiểm tra, giám sát xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát nước đặt ngoài hàng rào, có lối đi thuận lợi và có biển báo.

-        Cơ sở có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày.đêm trở lên nằm trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp mà được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung thì phải thực hiện việc quản lý nước thải giống như các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày.đêm trở lên.

-        Trường hợp các cơ sở trên không tự xử lý nước thải không nguy hại mà chuyển giao nước thải cho cơ sở có khả năng xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì thực hiện theo các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chuyển giao nước thải không nguy hại để xử lý.

2.   Quản lý chất thải rắn, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ

-        Cơ sở phát sinh khí thải:

+     Thực hiện đầu tư, lắp đặt hệ thống xử lý khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có sàn thao tác bảo đảm an toàn tại vị trí lấy mẫu khí thải.

+     Có nhật ký vận hành hệ thống xử lý khí thải được ghi chép đầy đủ, lưu giữ tối thiểu 02 năm.

+     Thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục, các thông số quan trắc theo phụ lục 11, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT và đăng ký chủ nguồn khí thải đối với cơ sở phát sinh khí thải công nghiệp thuộc danh mục các nguồn khí thải lưu lượng lớn quy định tại phụ lục, Nghị định 38/2015/NĐ-CP . Trường hợp các cơ sở có nhiều nguồn thải khí công nghiệp thì chủ cơ sở phải quan trắc tự động, liên tục tất cả các nguồn khí này. Đồng thời, hệ thống quan trắc phải hoạt động tốt và phải đảm bảo yêu cầu kết nối để truyền dữ liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

-        Cơ sở phát sinh tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải đầu tư, lắp đặt hệ thống giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3.   Đối với hoạt động chuyển giao nước thải không nguy hại để xử lý.

a)     Đối với cơ sở chuyển giao nước thải không nguy hại để xử lý

-        Có phương án chuyển giao, xử lý nước thải và được nêu rõ trong hồ sơ môi trường;

-        Có hợp đồng xử lý nước thải với cơ sở tiếp nhận nước thải để xử lý bảo đảm các yêu cầu của cơ sở tiếp nhận nước thải để xử lý;

-        Có hạ tầng, thiết bị chứa nước thải tạm thời bảo đảm chống tràn, đổ, rò rỉ ra môi trường xung quanh;

-        Có sổ ghi chép chi tiết bằng tiếng Việt và lưu giữ tối thiểu 02 năm về thời điểm, phương thức, khối lượng nước thải chuyển giao.

-        Chỉ được chuyển giao nước thải cho cơ sở tiếp nhận để xử lý đã ký hợp đồng xử lý nước thải theo phương thức, khối lượng không vượt quá khối lượng ghi trong phương án chuyển giao, xử lý nước thải;

-        Áp dụng cùng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải với cơ sở tiếp nhận nước thải để xử lý;

-        Chịu trách nhiệm vận chuyển nước thải đáp ứng đầy đủ các quy định về việc vận chuyển nước thải; việc chuyển giao nước thải phải thể hiện đầy đủ trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ theo quy định;

b)     Đối với việc vận chuyển nước thải

-        Chỉ được chuyển giao nước thải bằng đường ống; đường ống phải được

thiết kế, lắp đặt bảo đảm các quy định kỹ thuật, không rò rỉ ra môi trường xung

quanh, phải có van, đồng hồ đo lưu lượng và được thể hiện đầy đủ trong phương án chuyển giao, xử lý nước thải.

-        Nước thải súc rửa đường ống, thử thủy lực được vận chuyển bằng phương tiện giao thông nhưng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+     Phương tiện vận chuyển phải có đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật về giao thông; phải dán biển báo “vận chuyển nước thải không nguy hại” có kích thước đủ lớn ở phía trước, sau và bên hông.

+     Thiết bị, khoang chứa nước thải phải kín, chống thấm, chống rò rỉ, chống ăn mòn do nước thải được vận chuyển.

c)      Đối với cơ sở tiếp nhận nước thải để xử lý

-        Có phương án tiếp nhận nước thải để xử lý và được nêu rõ trong hồ sơ môi trường;

-        Có hệ thống xử lý nước thải có công nghệ, công suất phù hợp để xử lý nước thải tiếp nhận;

-        Có đồng hồ đo lưu lượng nước thải sau xử lý;

-        Có sổ ghi chép chi tiết bằng tiếng Việt và lưu giữ tối thiểu 02 năm về thời điểm, phương thức, khối lượng nước thải tiếp nhận; việc tiếp nhận nước thải để xử lý phải thể hiện đầy đủ trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ theo quy định.

-        Áp dụng cùng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải với cơ sở chuyển giao nước thải;

-        Chỉ được tiếp nhận nước thải từ cơ sở chuyển giao nước thải đã ký hợp đồng xử lý nước thải theo phương thức và khối lượng không vượt quá khối lượng ghi trong phương án tiếp nhận nước thải để xử lý;

-        Không chuyển giao nước thải đã tiếp nhận cho bên thứ ba để xử lý;

   VII.           Phương án bảo vệ môi trường

1.   Đối tượng phải thực hiện

-        Đối tượng 1: Cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ sở đang hoạt động có loại hình, quy mô tương đương với đối tượng phải lập ĐTM theo quy định tại phụ lục 2, Nghị định 18/2015/NĐ-CP.

-        Đối tượng 2: Làng nghề

* Lưu ý:

-        Các đối tượng trên lập phương án BVMT cho các hạng mục, công trình đã hoàn thành và vận hành chính thức theo tiến độ thực tế; trường hợp đã có hệ thống quản lý môi trường, trong đó đã tích hợp nội dung phương án BVMT và đã xác nhận hệ thống quản lý môi trường  thì không phải lập phương án BVMT.

-        Các doanh nghiệp thuộc đối tượng 1 đã có đề án BVMT chi tiết được xác nhận thì phải lập phương án BVMT sau khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc hoàn thành toàn bộ các công trình BVMT theo quy định.

-        Phương án BVMT là một trong các căn cứ để đối tượng 1 và 2 thực hiện các quy định pháp luật về BVMT, các biện pháp BVMT và là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra.

2.   Nội dung phương án và cơ quan phê duyệt

-        Đối tượng 1: thực hiện theo mẫu quy định tại phụ lục 7, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT và lưu giữ tại cơ sở.

-        Đối tượng 2 thực hiện theo mẫu tại phụ lục 2, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT. UBND cấp xã thực hiện hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án BVMT làng nghề gửi UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt.

3.        Hồ sơ đề nghị thẩm định phương án BVMT làng nghề

Stt

Thành phần hồ sơ

Số lượng (bản)

1

Văn bản đề nghị (theo mẫu tại phụ lục 8, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT).

01

2

Phương án BVMT làng nghề (theo mẫu tại phụ lục 2, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT).

04

3

Bản sao quy hoạch phát triển làng nghề tại địa phương do UBND cấp tỉnh phê duyệt (nếu có).

01

4.   Trách nhiệm thực hiện phương án bảo vệ môi trường

a)     Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng

-        Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, Ban quản lý khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chủ cơ sở có trách nhiệm cập nhật phương án bảo vệ môi trường đảm bảo phù hợp với tình hình, tiến độ triển khai hoạt động, lưu giữ chứng từ, hóa đơn, nhật ký vận hành và các giấy tờ liên quan theo hướng dẫn tại phụ lục 7, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT.

-        Khi xảy ra sự cố môi trường chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, Ban quản lý khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chủ cơ sở phải báo cho tổ chức liên quan. Trong vòng 30 ngày, các đơn vị trên phải báo cáo UBND các cấp, Sở TNMT về kết quả ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.

b)      Trách nhiệm tổ chức thực hiện phương án BVMT làng nghề của UBND cấp xã.

-        Thực hiện đúng các nội dung của phương án BVMT làng nghề đã được phê duyệt.

-        Nếu xảy ra sự cố môi trường, yêu cầu cơ sở để xảy ra sự cố ngừng hoạt động, thực hiện các biện pháp khắc phục, thông báo cho UBND cấp huyện, cấp tỉnh và cơ quan liên quan.

-        Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi xảy ra sự cố môi trường, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, ban quản lý khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chủ cơ sở phải báo cáo UBND các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.

5.   Quan trắc phát thải định kỳ

-        Đối tượng phải thực hiện quan trắc nước thải, khí thải phát sinh từ quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tần suất tối thiểu theo quy định tại phụ lục 10, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT.

-        Đối với những đối tượng đã có hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục theo quy định chỉ cần thực hiện quan trắc nước thải, khí thải định kỳ theo quy định đối với các thông số chưa được quan trắc tự động, liên tục.

-        Cơ sở thuộc phụ lục 4, Nghị định 18/2015/NĐ-CP, cơ sở thuộc phụ lục 1, Nghị định 19/2015/NĐ-CP không phải thực hiện quan trắc phát thải định kỳ.

6.   Quan trắc phát thải tự động

a)     Quan trắc nước thải tự động

-        Các thông số quan trắc bao gồm: lưu lượng (đầu vào và đầu ra), pH, nhiệt độ, COD, TSS và các thông số đặc trưng theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt ĐTM, đề án BVMT chi tiết.

-        Hệ thống quan trắc tự động phải bao gồm thiết bị lấy mẫu tự động được niêm phong và quản lý bởi Sở TNMT;cửa xả có camera giám sát kết nối internet, hình ảnh lưu giữ 03 tháng.

-        Đảm bảo yêu cầu kết nối, truyền trực tiếp dữ liệu quan trắc tự động về Sở TNMT.

b)     Quan trắc khí thải tự động

-        Các thông số quan trắc được quy định tại phụ lục 11, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT.

-        Cơ sở có nhiều nguồn khí thải thuộc danh mục của phụ lục 11, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT thì phải quan trắc tự động, liên tục tất cả các nguồn này.

-        Đảm bảo yêu cầu kết nối, truyền trực tiếp dữ liệu quan trắc tự động về Sở TNMT.


CHƯƠNG II: Thông tư 30/2016/TT-BTNMT ngày 12/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu

-        H iệu lực thi hành từ ngày 01 / 12 / 2016.

-        Thông tư mới.

I.         Nội dung chính của Thông tư

Thông tư quy định các nội dung chính như sau:

-        Tiêu chí phân loại khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.

-        Hướng dẫn thực hiện hoạt động cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.

-        Kiểm tra, xác nhận hoàn thành việc cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.

II.      Đối tượng áp dụng

Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.

III.       Phân loại, cải tạo và phục hồi môi trườngkhu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu

1.   Phân loại khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.

a)     Nguyên tắc và tiêu chí phân loại khu vực bị ô nhiễm

-        Các khu vực bị ô nhiễm được phân loại theo mức độ rủi ro dựa trên các tiêu chí: nguồn ô nhiễm tồn lưu, khả năng lan truyền ô nhiễm và đối tượng bị tác động.

-        Các tiêu chí được đánh giá thông qua điểm trọng số. Phương pháp xác định điểm trọng số được quy định tại Phụ lục 4, Thông tư 3 0 /2016/TT-BTNMT .

-        Việc xác định mức độ rủi ro của khu vực bị ô nhiễm căn cứ vào tổng điểm trọng số của các tiêu chí.

b)     Phân loại khu vực bị ô nhiễm

Khu vực bị ô nhiễm được phân loại theo 03 (ba) mức độ rủi ro:

-        Mức độ rủi ro thấp là khu vực có tổng điểm trọng số của các tiêu chí dưới 40 điểm.

-        Mức độ rủi ro trung bình là khu vực có tổng điểm trọng số của các tiêu chí từ 40 điểm đến 60 điểm.

-        Mức độ rủi ro cao là khu vực có tổng điểm trọng số của các tiêu chí trên 60 điểm.

2.   Điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu

2.1.     Điều tra, đánh giá sơ bộ khu vực có khả năng bị ô nhiễm

-        Việc điều tra, đánh giá sơ bộ nhằm xác định khu vực có hoặc không có chất gây ô nhiễm tồn lưu có hàm lượng vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

-        Việc điều tra, đánh giá sơ bộ bao gồm các nội dung:

+     Tổng hợp, rà soát các tài liệu liên quan đến khu vực có khả năng bị ô nhiễm;

+     Khảo sát hiện trường khu vực có khả năng bị ô nhiễm;

+     Tiến hành lấy mẫu, phân tích mẫu để xác định chất ô nhiễm tồn lưu, nguồn ô nhiễm tồn lưu và sơ bộ đánh giá mức độ ô nhiễm;

+     Lập báo cáo kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ.

-        Quy trình điều tra, đánh giá sơ bộ khu vực có khả năng bị ô nhiễm được quy định tại Phụ lục 2 , Thông tư 3 0 /2016/TT-BTNMT.

-        Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá sơ bộ khu vực có khả năng bị ô nhiễm thuộc địa bàn quản lý. Căn cứ kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ, tiến hành các hoạt động sau:

+     Trường hợp không phát hiện chất ô nhiễm tồn lưu có hàm lượng vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì tiến hành công bố thông tin khu vực không bị ô nhiễm tồn lưu;

+     Trường hợp phát hiện chất gây ô nhiễm tồn lưu có hàm lượng vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết bao gồm các nội dung theo quy định tại Điều 7, Thông tư 30/2016/TT-BTNMT, cụ thể như sau:

-        Kinh phí thực hiện điều tra, đánh giá sơ bộ được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường.

2.2.     Điều tra, đánh giá chi tiết khu vực bị ô nhiễm

-        Việc điều tra, đánh giá chi tiết khu vực bị ô nhiễm nhằm xác định rõ các chất ô nhiễm tồn lưu; nguồn ô nhiễm tồn lưu; mức độ, quy mô, phạm vi ô nhiễm; khả năng lan truyền; các đối tượng bị tác động và trách nhiệm cải tạo và phục hồi môi trường.

-        Việc điều tra, đánh giá chi tiết bao gồm các nội dung:

+     Lập kế hoạch chi tiết khảo sát thực tế hiện trường;

+     Điều tra, khảo sát, lấy mẫu chi tiết tại hiện trường; thực hiện phân tích, đánh giá xác định chất gây ô nhiễm tồn lưu, mức độ ô nhiễm, quy mô, phạm vi ô nhiễm và đường lan truyền ô nhiễm;

+     Xây dựng bản đồ khu vực bị ô nhiễm (chất gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, phạm vi ô nhiễm, đường lan truyền ô nhiễm);

+     Lập báo cáo kết quả điều tra, đánh giá chi tiết khu vực bị ô nhiễm.

-        Quy trình điều tra, đánh giá chi tiết khu vực bị ô nhiễm được quy định tại Phụ lục 3, Thông tư 30/2016/TT-BTNMT.

-        Kết quả điều tra, đánh giá chi tiết là căn cứ để xác định trách nhiệm cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm.

-        Kết quả điều tra, đánh giá chi tiết là cơ sở để phân loại mức độ rủi ro của khu vực bị ô nhiễm theo 03 cấp độ (thấp, trung bình và cao).

-        Kinh phí thực hiện điều tra, đánh giá chi tiết được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường.

3.   Quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường; kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu

a)   Nguyên tắc quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm

-        Đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro thấp, tiến hành lập dự án cải tạo và phục hồi môi trường theo phương án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm (theo quy định tại Điều 9,Thông tư 30/2016/TT-BTNMT).

-        Đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro trung bình và mức độ rủi ro cao, tiến hành lập dự án xử lý ô nhiễm theo phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường (theo quy định tại Điều 10,Thông tư 30/2016/TT-BTNMT).

-        Ưu tiên thực hiện xử lý ô nhiễm đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro cao.

-        Ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện môi trường, chi phí xử lý thấp.

-        Việc lập phương án xử lý ô nhiễm phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b)   Kiểm soát khu vực bị ô nhiễm

-        Nội dung kiểm soát khu vực bị ô nhiễm bao gồm:

+     Thông báo công khai, cảnh báo và duy trì cảnh báo khu vực bị ô nhiễm;

+     Khoanh vùng, cô lập, cách ly nhằm ngăn ngừa các chất gây ô nhiễm lan truyền ra môi trường xung quanh;

+     Truyền thông, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân liên quan, cộng đồng sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm;

+     Theo dõi, quan trắc định kỳ chất lượng môi trường tại khu vực bị ô nhiễm và môi trường xung quanh; công bố thông tin về chất lượng môi trường.

-        Trách nhiệm lập, phê duyệt và triển khai dự án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm:

+     Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm lập, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt dự án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm liên tỉnh và giao Ủy ban nhân dân các tỉnh có khu vực bị ô nhiễm liên quan tổ chức thực hiện dự án;

+     Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm thuộc địa bàn quản lý.

-        Kinh phí lập, phê duyệt và triển khai dự án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường.

c)    Lập phương án xử lý ô nhiễm

-        Trách nhiệm lập phương án xử lý ô nhiễm:

+     Tổng cục Môi trường lập phương án xử lý ô nhiễm đối với khu vực bị ô nhiễm liên tỉnh thuộc các khu vực ô nhiễm môi trường đất do hóa chất độc hại sử dụng trong chiến tranh; do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; không xác định được đối tượng gây ô nhiễm thì trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt;

+     Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập phương án xử lý ô nhiễm đối với khu vực bị ô nhiễm thuộc địa bàn quản lý thuộc các khu vực ô nhiễm môi trường đất do hóa chất độc hại sử dụng trong chiến tranh; do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; không xác định được đối tượng gây ô nhiễm thì trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt;

+     Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất khu vực bị ô nhiễm thuộc UBND tỉnh quản lý thì phải lập phương án xử lý ô nhiễm trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt.

-        Nội dung chính của phương án xử lý ô nhiễm bao gồm:

+     Thông tin chung về khu vực bị ô nhiễm;

+     Kết quả điều tra và đánh giá mức độ rủi ro của khu vực bị ô nhiễm;

+     Lựa chọn phương thức xử lý tại chỗ hoặc vận chuyển đến địa điểm xử lý theo quy định;

+     Biện pháp kỹ thuật, công nghệ giảm thiểu hoặc loại bỏ các chất gây ô nhiễm tồn lưu tại khu vực bị ô nhiễm;

+     Giám sát, kiểm soát trong và sau xử lý;

+     Lộ trình và kế hoạch thực hiện phương án xử lý ô nhiễm.

-        Nội dung chi tiết của phương án xử lý ô nhiễm được quy định tại Phụ lục 6, Thông tư 30/2016/TT-BTNMT.

-        Tổ chức, cá nhân phải lập lại phương án xử lý ô nhiễm trong các trường hợp sau:

+     Thay đổi quy hoạch sử dụng đất tại thời điểm triển khai thực hiện phương án xử lý ô nhiễm;

+     Thay đổi quy mô, phương thức, biện pháp kỹ thuật và công nghệ xử lý so với phương án xử lý ô nhiễm đã được phê duyệt.

-        Tổ chức, cá nhân lập phương án xử lý ô nhiễm thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt thì phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị tác động và phải có sự đồng thuận của cộng đồng dân cư bị tác động về phương án xử lý ô nhiễm.

-        Kinh phí lập phương án xử lý ô nhiễm do Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt  được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường.

-        Kinh phí lập phương án xử lý ô nhiễm của trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất khu vực bị ô nhiễm thì do tổ chức, cá nhân tự chi trả.

d)   Thẩm định, phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm

-        Hồ sơ đề nghị thẩm định:

Stt

Thành phần hồ sơ

Số lượng (bản)

1

Văn bản đề nghị (theo mẫu tại phụ lục 5, Thông tư 30/2016/TT-BTNMT).

01

2

Báo cáo phương án xử lý ô nhiễm (theo mẫu tại phụ lục 6, Thông tư 30/2016/TT-BTNMT).

07

3

Biên bản tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư bị tác động

 

-        Thời gian thẩm định không quá 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

-        Nội dung thẩm định bao gồm: tính chính xác của kết quả điều tra, khoanh vùng, xác định phạm vi và mức độ ô nhiễm; tính phù hợp của phương thức, kỹ thuật, công nghệ giảm thiểu hoặc loại bỏ các chất gây ô nhiễm tồn lưu tại khu vực bị ô nhiễm được lựa chọn.

-        Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, hoàn thiện phương án xử lý ô nhiễm theo thông báo kết quả của Hội đồng thẩm định và gửi lại cho cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt.

-        Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt theo mẫu quy định tại Phụ lục 7, Thông tư 30/2016/TT-BTNMT. Trường hợp không phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do.

-        Kinh phí thẩm định phương án xử lý ô nhiễm được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường của cơ quan thẩm định, phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm.

e)    Kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường

-        Trách nhiệm kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường:

+     Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường đối với khu vực bị ô nhiễm thuộc địa bàn quản lý;

+     Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường đối với khu vực bị ô nhiễm liên tỉnh.

-        Sau khi hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường, tổ chức, cá nhân được giao thực hiện dự án xử lý ô nhiễm có trách nhiệm lấy mẫu hoặc hợp đồng với 03 đơn vị có chức năng lấy mẫu và phân tích mẫu có đủ năng lực, đối chiếu với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và phương án xử lý ô nhiễm đã được phê duyệt; tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị tác động; lập hồ sơ đề nghị cơ quan thẩm định, phê duyệt (UBND cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường) kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường.

-        Hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường gồm:

Stt

Thành phần hồ sơ

Số lượng (bản)

1

Văn bản đề nghị (theo mẫu tại phụ lục 8, Thông tư 30/2016/TT-BTNMT).

01

2

Báo cáo hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm (theo mẫu tại phụ lục 9, Thông tư 30/2016/TT-BTNMT).

03

3

Biên bản tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư về việc hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm.

 


 

CHƯƠNG III: Thông tư 19/2016/TT-BTNMT ngày 24/08/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về báo cáo công tác bảo vệ môi trường

-        Hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2016

-        Thay thế các Thông tư:

+     Khoản 1 Điều 37 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT;

+     Khoản 4 Điều 14 Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT.

             I.           Nội dung chính của Thông tư

-        Thông tư hướng dẫn chi tiết Điều 134 Luật Bảo vệ môi trường về báo cáo công tác bảo vệ môi trường .

-        Thông tin môi trường thuộc danh mục bí mật nhà nước được thực hiện theo các quy định của pháp luật về bí mật nhà nước.

          II.           Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thực hiện báo cáo công tác bảo vệ môi trường.

      III.           Nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Uỷ ban nhân dân các cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường

-        Mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường của UBND các cấp, Bộ TNMTquy định tại Phụ lục 1, Phụ lục 2, Phụ lục 3 và Phụ lục 6, Thông tư 19/2016/TT-BTNMT.

      IV.           Nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Ban quản lý khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp

-        Nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường:

+     Hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường và các vấn đề môi trường: Tổng diện tích đất, mặt nước, cây xanh; tỷ lệ lấp đầy; chất lượng môi trường; nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường;

+     Tình hình và kết quả công tác bảo vệ môi trường: Tổ chức bộ máy và nguồn lực bảo vệ môi trường; tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định;

+     Khó khăn, vướng mắc, đề xuất và kiến nghị.

-        Mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường của ban quản lý khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp quy định tại Phụ lục IV, Thông tư 19/2016/TT-BTNMT.

          V.           Thời điểm và kỳ báo cáo công tác bảo vệ môi trường

-        UBND cấp xã báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, UBND cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường trước ngày 15/12 hàng năm.

-        UBND cấp huyện báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, UBND cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường trước ngày 01/01 hàng năm.

-        UBND cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Bộ TNMT (thông qua Tổng cục Môi trường) về công tác bảo vệ môi trường trước ngày 15/01 hàng năm.

-        Ban quản lý khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp báo cáo công tác bảo vệ môi trường lên UBND cấp tỉnh trước ngày 31/12 hàng năm.

-        Thông tin và số liệu của báo cáo trên được tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 hàng năm.

      VI.           Hình thức báo cáo công tác bảo vệ môi trường

-        UBND cấp tỉnh, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến Bộ TNMT (qua Tổng cục Môi trường) bằng hai hình thức sau đây:

+     Một (01) bản có chữ ký và đóng dấu qua đường bưu điện;

+     Một (01) bản số định dạng pdf và word được gửi qua thư điện tử thongtintulieumt@monre.gov.vn  h oặc qua hệ thống thông tin báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Tổng cục Môi trường (nếu có).